Một trong những điều khiến chúng ta có ấn tượng sâu sắc về Hàn Quốc là văn hóa uống rượu của họ. Từ phim ảnh, quảng cáo cho đến thực tế, bất kì du khách nào đã du lịch tại Hàn đều có thể thấy rằng người Hàn uống rất – rất nhiều và thường xuyên. Để đánh bay cơn mệt mỏi sau những cơn say dữ dội, họ thường tìm đến các món canh giải rượu, còn gọi là haejang-guk.
Haejangguk (해장국) là món ăn giải rượu mà mọi người đều yêu thích. Thưởng thức canh nóng là một trong những cách giải rượu hiệu quả và nhanh nhất. Và nó phổ biến đến nỗi mỗi tỉnh, thành phố lại có một phiên bản haejangguk khác nhau. Mỗi nhà hàng cũng có một công thức riêng, kỹ thuật chế biến cũng như nguyên liệu được sử dụng cũng khác một chút. Hãy cùng tham khảo qua các loại canh – súp giải rượu Hàn Quốc sau đây nhé!
Seonji Haejangguk (선지해장국) – Canh tiết bò (heo)
Seonji haejangguk là món canh nấu với huyết bò (heo) đông và bắp cải khô. Ngay cả đối với người Hàn, không phải ai cũng có thể ăn được món canh này mà sẽ có người thích hoặc không thích.
Seonji haejangguk còn gọi là seonji-guk có hình thức không mấy hấp dẫn, được nấu với nguyên liệu chính là tiết bò nên sẽ có vị tanh nhẹ và nước canh cũng hơi sệt lại.
Nước dùng được nấu từ xương bò và nêm với tương đậu doenjang. Một số nguyên liệu phổ biến khác được dùng trong món canh seonjiguk gồm có thịt bò, thịt ba chỉ, lá bắp cải, củ cải khô, giá đỗ và hành lá.
Đối với những người có thể ăn được huyết thì đây là món ăn chứa đầy hương vị, đậm đà và đặc biệt là bổ dưỡng. Đa số những người ở độ tuổi trung niên sẽ thích món ăn này hơn là lớp trẻ, hơn nữa những miếng huyết mềm mịn như bánh pudding khi được nấu chín cũng dễ nuốt hơn.
Bugeot Haejangguk (황태 해장국) – Canh cá tuyết
Giống như kongnamul-guk, bugeotguk hoặc canh cá tuyết khô là một loại canh mặc dù ít nêm nếm gia vị nhưng lại đậm đà và đầy hương vị. Món canh cá tuyết cổ điển được chế biến bằng cách cắt nhỏ cá tuyết khô đã được ngâm trước, áp chảo cá với một ít dầu mè, thêm nước dùng cá cơm khô (hoặc nước) và đun sôi cho đến khi canh chuyển sang màu trắng đục.
Canh được nêm với muối và tiêu và trang trí với hành lá cắt nhỏ. Món canh bugeotguk thường có thêm đậu phụ cắt nhỏ và trứng gà được đánh đều rồi cho vào lúc cuối. Bật mí là cá tuyết khô rất giàu axit amin bảo vệ gan và giúp gan phục hồi.
Kongnamul Haejangguk (콩나물 해장국) – Canh giá đỗ
Theo một cuộc khảo sát từ 600 nhân viên văn phòng tại Hàn Quốc thì kongnamul-guk là món ăn số một mà họ thèm ăn sau một đêm say xỉn. Đây là một món ăn có thể nói là cực kì đơn giản dễ làm, chỉ cần ít nguyên liệu: giá đỗ, nước (hoặc nước kho cá cơm khô) và muối.
Chính vì món ăn vô cùng đơn giản nên để có món canh ngon, bạn cần chọn lựa nguyên liệu thật kĩ càng. Nhiều nhà hàng phục vụ canh giá đỗ theo phong cách Jeonju (một thành phố tại Hàn). Canh nóng sôi sùng sục trong nồi đất với gạo nấu chín ngập trong nước dùng, thật nhiều giá đỗ, kimchi cắt nhỏ, đập vào một quả trứng sống và thêm hành lá cắt nhỏ. Món canh thường nược nêm thêm mắm tép khi ăn để có thêm vị đậm đà.
Trong trứng có chứa một lượng lớn cysteine được biết là có tác dụng phá vỡ độc tố gây say xỉn gọi là acetaldehyde. Ngoài ra, giá đỗ còn chứa một loại axit amin gọi là aspartate, giúp tạo ra các enzym phân hủy rượu trong gan.
Món canh giá đỗ kiểu Jeonju theo truyền thống, nhưng không phải lúc nào cũng được phục vụ cùng với moju, một thức uống ít cồn được chế biến bằng cách đun sôi makgeolli với sáu loại dược liệu bao gồm gừng, táo tàu, rễ cam thảo, nhân sâm, dong riềng và bột quế.
Jaecheop guk (재첩국) – Canh nghêu (ngao)
Jaecheop guk là một đặc sản của tỉnh Gyeongsangnamdo, đặc biệt là vùng Hadong. Jaecheop-guk là món canh thanh đạm được làm bằng cách luộc loại ngao nước ngọt có màu vàng và nhỏ, và nêm gia vị đơn giản với muối. Canh được ăn với hành lá hoặc hẹ để có thêm mùi thơm.
Mặc dù có kích thước nhỏ so với các loài ngao thông thường khác như ngao manila, nhưng ngao vàng lại có vị ngọt thịt và tạo ra một hương vị sâu sắc lạ thường cho nước dùng. Ngao vàng cũng rất giàu taurine, một hợp chất hữu cơ giúp giảm tổn thương gan.
Ppyeo haejangguk (뼈해장국) – Canh xương heo
Sau một đêm say xỉn tuyệt nhất là được thưởng thức canh xương heo đậm đà và cay nồng, thêm các loại rau củ được ninh trong nước cho đến khi chúng thấm vị. Đối với món canh xương heo, bột tía tô là nguyên liệu cần phải có vì nó sẽ tạo thêm mùi thơm đặc trưng cho món canh.
Cái tên Ppyeo haejang-guk dịch theo nghĩa đen là "canh hầm xương." Món canh này còn được gọi với một cái tên khác là gamjatang. Trong khi gamjatang được ăn chung trong một nồi lớn, ppyeo haejang-guk được chế biến theo từng phần riêng lẻ trong nồi đất để giữ cho nước canh luôn được nóng cho đến khi ăn xong.
Bắt đầu thưởng thức canh xương heo bằng cách tách thịt được ninh mềm rục ra khỏi xương, sau đó bạn có thể bỏ thịt vào bát canh hoặc ăn phần thịt trước sau đó húp phần canh nóng. Bạn cũng có thể trộn cơm ăn cùng nước dùng như cách người dân địa phương hay làm.