Left Tiếp tục mua sắm
Đơn hàng

Không có sản phẩm nào trong giỏ hàng của bạn

Promotion
Read more

Hướng dẫn cho người mới uống Soju


Thói quen uống rượu của người Hàn

Soju thực sự là một sản phẩm kinh doanh thành công ở Hàn Quốc, bằng chứng có thể thấy là hàng loạt hình ảnh say xỉn trôi nổi trên internet. Không khó để nhận ra rằng văn hóa uống rượu ở Hàn Quốc là rất lớn khi họ uống vào dịp liên hoan với công ty và ngay cả khi muốn thưởng thức đồ ăn ngon. Soju là một sự kết hợp lý tưởng với thực phẩm Hàn Quốc. Nó giúp làm dịu đi vị cay xé lưỡi của món tokpokki, hay cân bằng độ béo ngậy, thơm ngon của món samgyeopsal (thịt bụng lợn nướng).

Rượu soju truyền thống vẫn được sản xuất ở Andong và các thành phố khác cho đến ngày nay bằng cách chưng cất hỗn hợp gạo và ngũ cốc lên men. Tuy nhiên, hiện nay rượu soju ở Hàn Quốc và trên thế giới được làm bằng cách pha loãng ethanol sản xuất từ khoai lang. Việc này xuất phát từ lệnh cấm của chính phủ năm 1969 về việc dùng gạo ủ rượu làm thiếu hụt gạo. Dù lệnh cấm đã được dỡ bỏ, nhiều thương hiệu nổi tiếng và thương hiệu rượu giá rẻ vẫn sản xuất theo quy trình pha loãng ethanol.

Hãng rượu Jinro được xếp hạng nhất về danh sách các thương hiệu rượu bán chạy trong nhiều năm, danh sách cũng đề cập về tần số và số lượng tiêu thụ rượu của người Hàn Quốc. Hầu hết người Hàn sẽ nói họ uống là do rượu soju rất hợp để thưởng thức mấy món như samgyeopsal hay budaejjigae, tuy sau cùng họ thừa nhận là họ uống soju với bất kì món ăn nào hay nhiều khi chỉ uống mỗi soju thôi.

Ở các công ty Hàn Quốc, có những quy tắc xã hội nghiêm ngặt về việc uống rượu soju. Những quy tắc cơ bản là nó thường được uống trong những ly nhỏ truyền thống, và không bao giờ uống từ chai. Bạn không nên tự rót rượu cho mình mà sẽ rót rượu cho người khác khi thấy ly của họ vơi đi.

Người Hàn còn có cả nghi thức về việc mở chai rượu soju như lắc trước khi mở hoặc tạo xoáy nước bên trong chai. Trong khi một số người lúc này sẽ mở nắp chai rượu nhưng một số khác lại thích thể hiện thêm một vài động tác bằng cách lấy cùi chỏ hay lòng bàn tay đập vào đáy chai rượu sau đó vặn nắp chai, hoặc dùng ngón trỏ và ngón giữa đánh bay nắp chai với một chút rượu chảy ra ngoài.

Một người bạn Hàn Quốc giải thích rằng quy trình này được cho là xuất phát từ việc sản xuất soju truyền thống, thường có cặn bên trong chai. Việc xoáy và vỗ vào chai rượu giúp đẩy hết cặn ra khỏi chai rượu. Mặc dù các phương pháp sản xuất hiện nay đã lọc đi hết mọi cặn có trong rượu nhưng họ vẫn thường làm như vậy và rất thú vị khi xem, nhất là khi người mở chai đã say.

Người ta thường uống hết ly rượu soju đầu tiên trong một lần uống, nhưng nếu bạn nhấm nháp thì vẫn có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, nồng độ cồn của soju tương đối thấp, hầu hết chúng đều có nồng độ khoảng 20%, thế nên người Hàn thường uống hết ly rượu trong một lần.

Người Hàn Quốc cũng uống soju một cách hỗn hợp như somaek, trong đó một ly rượu soju được mix với một ly bia, hoặc các loại cocktail như soju dưa hấu, một xu hướng từ vài năm trước đã giúp khởi động làn sóng soju có hương vị trái cây.

Hương vị của soju

Người ta nói nhiều về vị chát khó uống của rượu soju, các loại rượu soju giá bình dân chắc chắn có vị rất thô, ít có độ đằm. Rượu soju giá rẻ rõ ràng sẽ khiến bạn nhanh say bằng cách pha vừa đủ độ ngọt để ethanol có vị dễ uống hơn. Trong khi hầu hết các loại soju tầm trung có vị êm, dịu nhẹ với chất tạo ngọt và hương liệu thì soju thương mại không cung cấp cho người uống sự trải nghiệm hương vị phức tạp nào. Chằng hạn, nó không có vị ngọt tinh tế của rượu sake, hương vị làm cho người ta vừa say mê vừa khó chịu. Rượu soju thương mại là những loại có hương vị với mục đích được tiêu thụ bởi nhiều khách hàng nhất có thể; nó không pha trộn với các hương vị và dư vị tinh tế, thay vào đó nó tập trung vào một hương vị chính thường được nhận biết bằng mức độ ngọt. Kết quả là, soju tầm trung ban đầu tưởng chừng như vô hại lại khiến bạn uống quá đà đến khi nhận thức được mình say thì đã quá muộn.

Rượu soju có hương vị trái cây thường được giảm độ cồn, tăng độ ngọt để phục vụ lớp thanh niên trẻ, thậm chí nó còn được sản xuất ở dạng hộp nước trái cây.

Rượu soju cao cấp được làm bằng phương pháp truyền thống có ABV (độ cồn) cao hơn nhiều, đôi khi đạt tới hơn 50%, nhưng mịn hơn với các nhãn hiệu khác nhau với hương vị và mùi thơm đặc trưng của riêng mình, từ hương hoa đến trái cây. Truyền thống chưng cất Andong soju vẫn nổi tiếng về chất lượng và hương vị phức tạp, mặc dù các thương hiệu đến từ thành phố này thường được coi là lỗi thời ở Hàn Quốc.

Các hãng rượu soju phổ biến

Bạn chắc có thể đã thử qua sản phẩm của công ty Hite Jinro, họ sản xuất nhiều loại rượu soju, đặc biệt là Chamisul, thương hiệu bán chạy nhất của Hàn Quốc. Chamisul chính xác là tất cả những gì bạn mong đợi về một chai soju, chất lượng và hương vị đều ổn. Thay vào đó, sản phẩm nổi tiếng nhất của hãng Busan, C1 Blue, có vị nhẹ và êm hơn. Chum-Churum là một loại rượu soju phổ biến, hướng đến giới trẻ với độ cồn thấp hơn và hương vị ngọt vừa phải không giống với độ ngọt của loại rượu trái cây.

Bạn đã hình dung được các loại rượu thương mại mà người Hàn thường uống, nhưng bạn có thể muốn tìm hiểu thêm về hãng rượu cao cấp như Hwayo. Được sản xuất bởi một công ty cũng chuyên về đồ gốm cao cấp, Hwayo là một hãng rượu soju truyền thống được sản xuất với các phương pháp chưng cất truyền thống sau đó được ủ trong chậu kim chi. Hwayo soju thực sự đáng yêu và mượt mà, với hương thơm gạo tinh tế nhưng khác biệt, gợi nhớ đến các món tráng miệng làm từ gạo.

Vì hầu hết các loại rượu soju truyền thống tiếp tục được sản xuất với cùng các phương pháp thủ công đã được sử dụng qua nhiều thế hệ, nên nó là cơ hội tuyệt vời để trải nghiệm một chút lịch sử thông qua vị giác của bạn.

Bạn nên bắt đầu “khóa học” soju của mình với hãng rượu Moonbaesool, có tuổi đời hơn 150 năm. Được biết đến khi cho ra phiên bản rượu chứa 40% độ cồn,  tên Moonbaesool đến từ chữ “moonbae”, nghĩa là trái lê dại. Có một hương vị lê mượt mà xuất hiện khi bạn lần đầu tiên nếm thử Moonbaesool, theo sau đó là một vị nóng nhẹ. Chắc chắn đây là thức uống để thưởng thức, như loại rượu whisky ngon.

Khi uống soju, bạn chỉ cần học hai chữ “Gunbae!” (Cạn ly) và “Jjan!" (tiếng của ly rượu cụng vào nhau).

Nguồn: https://thetakeout.com/a-starter-guide-to-soju-one-of-the-world-s-most-popula-1798256991

Dịch bởi: Tèobokki